Phòng Vé Máy Bay Lữ Hành Vietluxtour

Tổng hợp những món ngon khi đi du lịch Phố Cổ Hội An

17/07/19 lúc 2h 35' / (9043 views)
Tổng hợp những món ngon khi đi du lịch Phố Cổ Hội An

Ẩm thực phố cổ Hội An rất hấp dẫn và nếu bạn đã đến Phố Cổ và thưởng thức rồi sẽ không bao giờ quên phải không? Còn nếu bạn đang có kế hoạch đến du lịch Hội An thì đừng bỏ qua những món ngon sau khi đã đến với Hội An nhé!

Nào hãy cùng lên dánh sách những món ngon để chuẩn bị cho chuyến đi Hội An của chúng ta thêm nhiều hương vị. Phố Cổ Hội An có đi đến lần thứ 10 bạn cũng vẫn thấy hấp dẫn bởi cái cảm giác luôn mới mẻ khi đến đây vì Hội An không chỉ hấp dẫn du khách bởi những mái nhà xưa cũ, con phố cổ với hàng hoa giấy lãng mạn hay đêm về với ánh đèn lồng lung linh huyền ảo. Phố Cổ Hội An còn mang trên mình 1 màu sắc văn hóa rất đặc biệt mà nhất là nét ẩm thực độc đáo tại phố cổ.

Các món ăn độc đáo ở Hội An phải kể đến là

1. Cao Lầu

Đến du lịch Hội An mà chưa thưởng thức qua món Cao Lầu Phố Cổ thì coi như bạn chưa đến Hội An đâu nhé! Cao Lầu món ăn gắn liền với Phố Cổ. Thoạt nhìn thì món Cao Lầu trông như mì nhưng lại không phải, mới đầu cứ tưởng món này của người Hoa nhưng cũng không phải, chuyển sang hỏi người Nhật  thì họ cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.

Món Cao Lầu Hội An

Món Cao Lầu này trông đơn giản nhưng thực ra chế biến lại rất công phu. Theo sưu tầm trên internet thì công đoạn chế biến món Cao Lầu như sau:

Cái tinh túy thất sự của Cao Lầu chính là sợi mì và nó được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.

Cao lầu Hội An

Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.

Bạn có thể thưởng thức Cao Lầu tại

26 Thái Phiên, Thanh Cao Lầu là quán ăn nhỏ, giản dị như hàng cơm bình dân nhưng lại có món cao lầu được đánh giá ngon nhất Hội An mà giá chỉ từ 20.000 – 25.000 đồng/tô.

2. Bánh mì.

Lúc đầu mình cứ thầm nghỉ đến phố cổ Hội An thì ăn các món như bánh bèo, cao lầu, thịt xiên chứ ai lại đi ăn bánh mì kẹp thịt bao giờ ấy nhỉ? Bạn cứ nên thử một ổ bánh mì Phượng khi đi du lịch Hội An nhé.

bánh mì Phượng nổi tiếng nằm ở số 2B Phan Châu Trinh và từng được những chuyên gia ẩm thực nước ngoài ca ngợi.

Bánh mỳ Phượng có rất nhiều loại nhân khác nhau như lạp xưởng, chả, xúc xích, pate, thịt xông khói, phô mai, trứng ốp la… và đặc biệt nhất là nước sốt cùng mayonnaise do quán tự chế biến.

Bánh mì Phượng


Bên cạnh đó, còn có thêm các loại rau ăn kèm như ngò, quế, húng, hành, dưa góp muối chua ngọt, dưa chuột… khiến cho thực khách ăn bánh mì ăn không thấy ngán.

Ngoài ra còn 1 tiệm bánh mì khá nổi tiếng khác là bánh mì Madame Khánh nằm trên đường Trần Cao Vân cũng rất ngon với hơn 10 loại nhân khác nhau như thịt nướng, thịt quay, thịt xá xíu, thịt luộc, trứng chiên, pate, phô mai, nộm, dưa góp… và nước sốt đậm đà, béo ngậy do bà chủ tự tay chế biến.

3. Bánh đập hến xào

Có thể nói đây ăn dân dã trứ danh và cực kỳ hấp dẫn ở Hội An, trong đó nổi tiếng nhất là quán Bà Già, xã Cẩm Nam với miếng bánh đập giòn rụm ăn kèm với hến xào được nêm nếm vừa miệng.

Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người Quảng Nam nào cũng biết đến. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ.

Bánh đập - hến xào

Được tạo ra từ 2 loại bánh tráng, 1 bánh tráng nướng và 1 bánh tráng ướt, ghép một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, trên nửa lớp bánh ướt quệt lên nhân đậu xanh nhuyễn, phết dầu mỡ hành. Sau đó bạn chập 2 miếng bánh tráng nướng lại với nhau và đập nhẹ cho chúng dính quyện vào với nhau. Ăn bánh đập cũng như ăn bánh xèo, phải có vừng, chấm nước mắm ớt và đồ ăn ghém chua. Nước chấm được pha từ mắm cái. Mắm pha với một chút đường, trái dứa bằm nhỏ, một chút hành phi dầu, nêm nhiều tỏi và ớt sừng xanh đặc hiệu của xứ Quảng, loại ớt này khi giằm vào mắm thì dậy mùi thơm đặc trưng. Rất hấp dẫn!

4. Bánh bao - Bánh Vạc

Đến du lịch Hội An, nếu muốn thưởng thức hai món đặc sản bánh bao, bánh vạc thì du khách nên ghé qua nhà hàng Hoa Hồng Trắng nằm trên đường Hai Bà Trưng.

Đến đây, du khách còn được chứng kiến quy trình làm bánh công phu và khéo léo của các đầu bếp nổi tiếng.

Bánh Bao Bánh Vạc - Du lịch Hội An

Bánh bao, bánh vạc đều được làm từ loại gạo thật trắng, dẻo thơm rồi xay mịn, lọc nhiều lần qua nước; sau đó bột được nặn thành vỏ bánh. Phần nhân bánh được làm chủ yếu từ thịt, tôm băm nhuyễn, ướp chung với nấm mèo, nước mắm, tiêu, hành,… Từng chiếc bánh vạc được chế biến theo 2 cách, một là làm chính phần nhân rồi cho vào bánh, một là để phần nhân sống rồi hấp chung với bánh. Bánh thường được ăn kèm với nước mắm chua ngọt tỏi ớt.

5. Thịt xiên nướng cuốn bánh tráng

Thịt xiên nướng công viên Kazik nằm trên đường Trần Phú là một địa chỉ ăn vặt quen thuộc của giới trẻ Hội An với những xiên thịt nóng hổi và thơm phức khiến cho bất kỳ ai đi qua cũng muốn dừng lại để thưởng thức.

Đặc biệt, thịt xiên ở đây được nướng trên than hoa rồi quấn trong một lớp bánh ướt, bánh đa mỏng kèm thêm khế chua, dưa chuột, rau thơm và chấm với nước xốt chế biến từ thị băm, tương ớt, đậu phộng.

Thịt nướng cuốn bánh tráng

Thưởng thức hương vị thịt xiên nướng ở Hội An vị thịt thơm phức đậm đà gia vị, cay cay cùng lớp tương ớt bóng loáng được quyết ở trên, chua chua của khế, chan chát của rau sống, mặn ngọt của nước chấm, tất cả hòa quyện lại tạo nên hương vị thật khó cưỡng.

6. Bánh bèo Hội An

Nếu muốn thưởng thức đặc sản bánh bèo Hội An thì du khách nên tìm đến các quán nằm trên phố Hoàng Văn Thụ và Đinh Tiên Hoàng. Bánh bèo ở đây được đặt trong chén nhỏ và phần trên là nhân thịt, tôm có màu hồng đỏ, có chút tiêu xanh, hành lá.

Bánh bèo Hội An

Đặc biệt, bánh bèo phố Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng không ăn bằng thìa hay đũa mà sử dụng dao tre – dụng cụ làm từ tre rồi vót thành hình lưỡi dao, vì vậy tạo sự mới lạ và tò mò của du khách.

7. Bánh xèo

Bánh xèo quán Giếng Bá Lễ tại số 45/51 Trần Hưng Đạo sẽ làm bạn mê mẩn ngay bởi độ ngon và hương thơm của nó bạn sẽ không kiếm đâu ra. Bánh xèo thơm phức, nóng hổi cùng với nước chấm được chế biến khá kỹ lưỡng với nước tương trộn cùng mè, gan heo, đậu phộng xay nhuyễn rồi đun sôi, sau đó pha thêm ít bột gạo và gia vị, sẽ cho bạn 1 hương vị đặc biệt khó quên khi đi du lịch Hội An

Bánh xèo Hội An

8. Hoành Thánh

Hoành thánh vốn là món ăn của người Hoa nhưng tồn tại khá lâu ở Hội An nên nó cũng trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng.

Hoành thánh Hội An


Nếu du khách muốn thưởng thức món hoành thánh ngon đúng điệu thì nên ghé quán Vạn Lộc nằm ở 27 Trần Phú – một trong những quán ăn ngon ở Hội An có lịch sử hàng trăm năm. Hoành thánh ở đây rất đa dạng như hoành thánh súp tôm, súp gà; hoành thành chiên thịt heo, chiên gà…

Hoành thánh được làm từ bột mì đánh cùng trứng gà, ủ lên men rồi cán mỏng và cắt thành từng miếng nhỏ làm vỏ bánh; còn phần nhân gồm có tôm giã nhuyễn và ướp gia vị.

9. Hủ tiếu Hội An

Nếu ở Sài Gòn bạn đã thưởng thức rất nhiều thể loại hủ tiếu rồi thì hãy nên thử xem hủ tiếu Hội An có gì khác không nhé!

Hủ tiếu được xếp gọn trong tô, đầy đặn, phía trên gọn gàng vài lát thịt, hai lát chả bò, có cả bao tử và gan heo, trộn thêm chút hương vị của kiểu hủ tiếu sa tế người Hoa, vô cùng hấp dẫn. Nước hủ tiếu trong vắt, chỉ có ít váng mỡ vàng vàng nổi lên khiêm tốn, húp vào thấy thanh tao, dịu nhẹ. Sợi hủ tiếu thì đặc biệt dai và không chua. Thịt dùng cho hủ tiếu cũng là thịt dùng cho món cao lầu, được rim chiên đậm đà, có màu nâu mật trông rất hấp dẫn, còn chả thì thơm dai khỏi nói. Rau ăn kèm hủ tiếu là những lát đu đủ xanh ngâm chua giòn rụm, vài cọng cần tàu và giá.

10. Cơm gà bà Buội nổi tiếng phố cổ

Đã đến Hội An mà không thử món cơm gà thì quả thật là uổng phí. Món cơm gà nổi tiếng ở nơi đây được rất nhiều hàng quán, nhà hàng từ bình dân đến sang trọng phục vụ.

Cơm gà Hội An

Nổi tiếng về các món ẩm thực tại phố cổ Hội An, có lẽ cơm gà Bà Buội là một cái tên đã không còn xa lạ với nhiều người. Có mặt từ những năm 50 của thế kỉ 20, cơm gà bà Buội dường như đã trở thành một cái tên gắn liền với sự phát triển của Hội An.

11. Các thể loại chè

Đến với phố cổ Hội An bạn đừng quên thưởng thức hương vị của các loại chè ở đây nhé!

Chè Hội An

Chè trôi nước thịt heo

Độc lạ nhất trong các món chè xứ Hội phải kể đến chè trôi nước thịt heo. Bạn chỉ có thể thưởng thức món chè này vào mùa đông. Vị ngọt dịu của đường hòa quyện với cái béo ngậy mằn mặn của thịt heo trong lớp vỏ bột lọc dẻo dai tạo nên một hương vị rất đặc biệt, ăn bao nhiêu cũng không ngán.

Chè trôi nước thịt heo

Chè Bắp

Nổi tiếng nhất vẫn là chè bắp Cẩm Nam. Nguyên liệu để nấu chè gồm có  bắp (ngô), đường kính, bột năng. Bắp để nấu chè là loại bắp sữa (bắp non) được trồng trên những bãi bồi ven sông. Nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm mà những bãi bồi này luôn màu mỡ, khiến trái bắp có những hương vị ngọt, thơm đặc trưng của phố Hội.

Chè Bắp Hội An

Chè Thưng

Món chè với cái tên lạ tai này thực chất nấu từ khoai môn sáp và bột báng. Chè nấu theo kiểu Bắc, có thêm đường nâu, gừng và gạo nếp tạo nên độ mịn màng, sánh quyện. Chè có độ ngọt tự nhiên, không quá gắt, thêm một chút đá là vừa miệng.

Chè Thưng

Chè đậu đỏ

Tùy theo mỗi mùa mà chè đậu đỏ ở Hội An nấu theo các cách khác nhau. Mùa hè, chè được nấu đậm vị và lỏng hơn để ăn kèm với đá lạnh mang lại hương vị ngọt bùi, thanh mát. Mùa đông, người Hội An nấu đậu đặc sánh và thật mềm để ăn nóng, giúp thực khách cảm nhận được hương vị đậm bùi của hạt đậu đỏ.

Chè Đậu Đỏ

Còn rất nhiều loại chè khác như chè đậu ván, chè đậu xanh, chè hạt sen cũng rất ngon ơ Phố cổ Hội An.

Bài viết cùng chuyên đề vớiDu lịch Việt Nam
TOP